Tuyệt chiêu tới từ các chuyên gia hàng đầu về thời trang sẽ giúp các nàng luôn có thể hoạt động cả ngày mà không hề đau nhức hay khó chịu.
Những đôi giày cao gót duyên dáng nữ tính với khả năng tôn dáng tuyệt vời đôi khi lại là nỗi ám ảnh của không ít nàng, đặc biệt là những quý cô công sở vì chúng có thể khiến đôi chân đau đớn và nhức mỏi nhanh chóng. Nếu bạn nghĩ việc đi giày cao gót cả ngày là điều không thể thì chúng tôi sẽ giúp bạn loại bỏ ngay những lo lắng không đáng có đó bằng 8 tuyệt chiêu tới từ các chuyên gia hàng đầu về thời trang.
1. Chọn giày có quai cổ chân để tránh bị phồng rộp
Mọi vết phồng rộp, bọng nước đều bắt nguồn từ sự ma sát giữa bàn chân và giày. Để giảm tối đa tình trạng đó, bạn nên chọn những đôi giày có phần quai ở cổ chân to bản và chắc chắn, phần quai này có tác dụng giữ bàn chân ở vị trí cố định hơn, giúp bàn chân ít bị trượt và ma sát với phần trong giày, làm giảm tình trạng phồng rộp đáng kể.
2. Giảm độ dốc của giày
Một đôi giày có phần gót quá cao với độ dốc lớn có thể khiến bàn chân bị trượt ra phía trước, bởi vậy bạn nên chọn những đôi giày có phần gót trung bình từ 3-5 cm để làm giảm áp lực tác động lên chân tối đa nhất.
3. Trung thành với kiểu giày khiến bạn thoải mái nhất
Dù bạn có mê mẩn đến mấy trước những đôi giày Plat form (loại giày có gót siêu cao với phần đế phía trước dày) hay những đôi Stiletto (giày có gót mảnh và nhọn) thì khi phải đi giày cao trong thời gian dài, hãy để dành chúng cho dịp khác và ưu tiên những giải pháp an toàn, chắc chắn hơn hơn như giày đế xuồng, giày Chunky heel (giày có phần gót to bản vuông) để hỗ trợ tốt nhất cho đôi chân nhé.
4. Chọn cỡ giày thật chuẩn
Những đôi giày bị chật hoặc chỉ hơi kích chân cũng sẽ trở thành nỗi ám ảnh nếu bạn phải di chuyển trên chúng suốt cả ngày, bởi vậy bạn nên thử giày cẩn thận trước khi mua và ưu tiên thử giày vào buổi tối vì lúc này bàn chân đang nở ra to nhất sau cả ngày hoạt động.
5. Sửa lại giày
Dù đôi giày của bạn quá cứng, quá rộng hay quá nhỏ thì các thợ sửa chuyên nghiệp sẽ có cách để giải quyết. Một miếng sillicone êm ru độn ở gót giày để giảm độ ma sát hay lớp đệm mút dày để khiến đôi giày vốn rộng vừa chân hơn, sẽ tạo ra sự thay đổi lớn khi đi. Bạn cũng có thể tự làm giày rộng hơn bằng cách cho một túi nilon có nước vào giày và để trong tủ đá qua đêm, thể tích nước đá lớn hơn sẽ khiến giày rộng hơn một chút.
6. Để chân nghỉ ngơi khi có thể
Để làm giảm áp lực mà đôi chân phải chịu, những lúc ngồi ở bàn, bạn có thể nhấc gót chân lên một chút hoặc bỏ hẳn giày ra để chân được nghỉ ngơi. Những bí kíp nhỏ như đung đưa nhẹ và thay đổi hai bên chân lúc đứng cũng có thể giảm áp lực lên chân hơn đáng kể.
7. Giày đế thô là lựa chọn số 1
Bạn hoàn toàn có thể đi giày cao cả ngày một cách thoải mái nhất nếu phần gót chân, mắt cá và cả lòng bàn chân được nâng đỡ, hỗ trợ tối đa. Một đôi đế thô với thiết kế gót to bản vuông, có quai cổ chân và độ cao vừa phải sẽ là lựa chọn hàng đầu khi bạn cần một đôi giày cao để đi suốt cả ngày dài.
8. Tạo một lớp màng phấn rôm mỏng quanh chân
Với những đôi giày cao khó nhằn, bạn nên xoa chút phần rôm lên cả bàn chân hoặc bất cứ phần nào tiếp xúc với giày để phấn hút bớt mồ hôi và độ ẩm, nhờ đó mà giảm độ ma sát với giày và chân cũng ít bị đau, phồng rộp hơn hẳn. Thêm vào đó, phấn rôm cũng có công dụng như chất khử mùi giúp chân bạn thơm tho tới cuối ngày.
(theo Trí thức trẻ)